TF Star • Vũ Tùng Phương • Training June 14th 2018
Ajoutée le 14 juin 2018
MUSIC & LIFE / âm nhạc & đời sống
Mois : juillet 2018
27/07/2018 17:33
NSƯT Thành Lộc nghẹn ngào nhìn mặt tác giả « Dạ cổ hoài lang » lần cuối
« Biết bao kỷ niệm về người bạn quý này ùa về trong tôi. Nhớ lắm quá trình chúng tôi tập vở kịch « Dạ cổ hoài lang » năm 1993, khi đó kịch bản này chỉ đoạt giải tư trong trại sáng tác kịch bản sân khấu tổ chức tại TP HCM. Cuộc thi đó không có giải nhất, nhưng chúng tôi quyết định chọn giải tư bởi câu chuyện anh viết mang một thông điệp nhân văn » – NSƯT Thành Lộc xúc động kể.
Đối với các nghệ sĩ gắn bó với sân khấu nhỏ 5B thời đó, vở kịch « Dạ cổ hoài lang » là một tác phẩm đỉnh cao. Trong quá trình tập dợt, cảnh cuối của vở do NSƯT Thành Lộc nghĩ ra, anh đã trao đổi với tác giả Thanh Hoàng để sửa chữa cho câu chuyện thăng hoa, cao đẹp hơn.
« Trong kịch bản nguyên gốc của Thanh Hoàng, ông tư hấp hối trên giường bệnh. Trong khi đó, nhân vật Nguyễn – người con trai chưa về kịp, ông năm đã nhờ một vị bác sĩ người Mỹ đóng giả Nguyễn để xoa dịu nỗi đau của ông tư. Nhưng chúng tôi đã trao đổi để Thanh Hoàng viết lại. Và « Dạ cổ hoài lang » có cảnh cuối, dù Nguyễn vẫn không về kịp nhưng con gái của Nguyễn – vai diễn của NSND Hồng Vân – đã kịp thời nói lời xin lỗi ông nội và khẳng định « Nội chính là quê hương của con ». Tôi quý Thanh Hoàng vì anh lành tính, sống điềm đạm. Trong con người Thanh Hoàng không có « máu con buôn » mà bất chấp tất cả để đạt được mục đích. Điều đó hiếm lắm đối với những người làm nghệ thuật nghiêm túc. Bởi, người ta sẵn sàng vì quyền lợi của bản than mà bất chấp tất cả. Nhưng với Thanh Hoàng thì không » – người nghệ sĩ đã từng đóng vai chính trong vở « Dạ cổ hoài lang » nói.
NSƯT Thành Lộc chia sẻ nỗi đau mất mát quá lớn khi tác giả Thanh Hoàng ra đi
Chị Phương Đào, vợ của NSƯT Thanh Hoàng, òa khóc khi gặp NSƯT Thành Lộc
NSƯT Thành Lộc đã có nhiều kỷ niệm trong quá trình lao động nghệ thuật với NSƯT Thanh Hoàng
Ứa nước mắt khi kể về người bạn mà NSƯT Thành Lộc trân trọng, còn là hình ảnh một anh thợ hồ, ngày ngày ngồi trên giàn giáo quét vôi, tô xi măng, « Làm mà cứ nhìn qua khe cửa xem các bạn cùng trang lứa tập hát, tập kịch. Có lần giàn giáo đổ, té nhào xuống đất, cũng may có bãi cát, còn không thì đã nứt sọ. Rồi các sinh viên nhìn ra cửa sổ cười cái rần, khiến Thanh Hoàng mắc cỡ. Nhưng chính cú té ngã đó đã thôi thúc Thanh Hoàng phải thi vào trường Nghệ thuật sân khấu II » – NSƯT Thành Lộc nhắc lại.
NSƯT Mỹ Uyên xúc động bên linh cửu người anh, người bạn diễn thân thương
Và rồi từ cú hích của vở « Dạ cổ hoài lang », Thanh Hoàng vươn tới một chân trời mới. Anh tham gia sáng tác, dàn dựng, từ kịch nói đến phim truyền hình.
« Chính Thanh Hoàng là một trong những thành viên đầu tiên về cộng tác với sân khấu IDECAF, thời chúng tôi chưa thành lập công ty. Vở đầu tiên Thanh Hoàng đóng với chúng tôi là « Khoảnh khắc tình yêu », sau này nữa là vở « Tin ở hoa hồng ». Vừa rồi, kỷ niệm 20 năm ra đời vở « Dạ cổ hoài lang », chúng tôi đã dựng lại tác phẩm này tại sân khấu IDECAF. Thanh Hoàng ra đi trong sự nuối tiếc của chúng tôi – những người yêu quý anh và trân trọng quá trình lao động nghệ thuật của một người thanh niên dấn thân để sống với đam mê sân khấu » – NSƯT Thành Lộc đã chia sẻ, sau khi thắp hương và bày tỏ tấm lòng tiếc thương đối với chị Trương Thị Phương Đào – vợ của cố NSƯT Thanh Hoàng.
Diễn viên Vân Anh, NSƯT Trịnh Kim Chi, bà Minh Ngọc (sân khấu kịch Hồng Vân) thắp hương tiễn biệt NSƯT Thanh Hoàng
Ngày 29-7, lễ truy điệu và động quan sẽ tiến hành lúc 7 giờ tại Nhà tang lễ TP HCM (25 Lê Quí Đôn, phường 7, quận 3, TP HCM). Sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
NSƯT Tuyết Thu tiễn biệt NSƯT Thanh Hoàng
Ajoutée le 8 juil. 2018
27/07/2018 16:10
Bà Nguyễn Thị Thu trao bằng xác nhận cho NSƯT Minh Vương trong lễ khai trương Khu trưng bày Tượng sáp Việt tại Nhà hát Hòa Bình
Khi biết được thông tin hội đồng chuyên ngành sân khấu đã họp để xét lại 46 hồ sơ đề xuất danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) với kết quả ba NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu đã có tên trong danh sách trình lên hội đồng nhà nước, bà Nguyễn Thị Thu – Phó chủ tịch UBND TP HCM – Chủ tịch Hội đồng TP HCM về việc xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND – nói : « Kết quả này đẹp không chỉ với ba nghệ sĩ mà sẽ là cách xem xét trong tương lai với mọi nghệ sĩ. Kết quả này đẹp với sân khấu cải lương, với các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật.
Đối với khán giả sân khấu cải lương, tài năng của ba nghệ sĩ: NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu có sức lan tỏa sâu rộng. Ba ông đã có nhiều cống hiến trong việc sáng tạo cách ca diễn, quan trọng hơn là góp phần làm phong phú cách thể hiện bài vọng cổ, một thể điệu được xem là « bài bản vua » trong nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ – bộ môn được Tổ chức UNESCO vinh danh « Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại ». Đồng thời, ba ông đã gắn bó với đời sống sân khấu cải lương nhiều thập niên qua, tạc vào tâm trí người xem nhiều thế hệ hàng trăm vai diễn hay. Diễn xuất của ba ông là hình mẫu với những gợi mở về cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ, bền vững cho các nghệ sĩ khác, đặc biệt là diễn viên nghệ sĩ trẻ.
Từ sự vinh danh đúng nghĩa này sẽ có sức tác động lớn đến thế hệ kế thừa khi những bậc tiền bối như ba ông đã được ban tặng danh hiệu cao quý. Tôi trân trọng chúc mừng ba nghệ sĩ: Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu. Tin rằng ba nghệ sĩ sẽ mãi là tấm gương lớn đối với thế hệ nghệ sĩ đang làm chủ ngôi nhà sân khấu, trong đó có bộ môn nghệ thuật cải lương vừa tròn một thế kỷ trong lòng dân tộc ».
NSND Kim Cương và NSƯT Thanh Tuấn
NSND Kim Cương: « Thật lòng mừng nhưng vẫn còn lo »
Nói về việc này, NSND Kim Cương cho biết: « Trên thực tế, những bàn cãi về cách trao tặng danh hiệu vừa qua đã khiến tôi thấm thía rất nhiều về câu nói ông bà xưa vẫn thường dạy: « Của cho không bằng cách cho ». Tất nhiên, danh hiệu không phải là của. Không phải là thứ mà người nghệ sĩ chúng tôi trông chờ để được tăng lương, được cấp nhà, được sở hữu thêm những tài sản giá trị. Đó là tinh thần, giá trị tinh thần cho biết bao năm cống hiến trên sân khấu. Như đã nhiều lần gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp, kể cả khi nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm gia đình tôi nhân dịp tết Nguyên Đán cách đây không lâu, tôi cũng nói đến tâm nguyện, đừng đong đếm, khắt khe với nghệ sĩ bằng những huy chương vàng, huy chương bạc. Hãy xét công trạng và sức lan tỏa, ảnh hưởng của họ đối với nhân dân. Tôi mừng khi ba nghệ sĩ ưu tú Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu có tên trong hồ sơ trình lên hội đồng nhà nước. Nghĩa là các anh đã có tấm vé để sắp đến toa cuối, sau bao mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí nản lòng với nhiều đêm mất ngủ vì những tranh luận, những bàn tán chung quanh danh hiệu.
NSƯT Minh Vương luôn đồng hành với các diễn viên trẻ của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang
Hai chữ « trượt » và « đậu » của danh hiệu sao lại để nghệ sĩ tổn thương. Tôi lo là sau những đợt xét tặng tới, sẽ còn đồng nghiệp nào của chúng tôi bị tổn thương. Nhân đây cũng xin đính chính một điều và lưu ý một số báo đã nói tôi hăm dọa trả lại danh hiệu NSND nếu ba đồng nghiệp bị trượt lần này. Xin thưa, hoàn toàn bịa đặt. Danh hiệu NSND là danh hiệu cao quý, tôi không làm cái trò con nít để mặc cả danh hiệu cho người khác. Tôi hiểu nỗi lòng của ba nghệ sĩ đồng nghiệp, họ lên tiếng không phải vì mình thua thiệt mà mong muốn sự xét tặng phải hết sức công tâm. Thật lòng mà nói, có thêm danh hiệu hay không thì với nghệ sĩ chúng tôi không quan trọng. Vấn đề là khán giả, sân khấu và những tác phẩm của mình bán được vé hay không, công chúng có đến xem hay không? Sợ nhất là nghệ sĩ mang danh hiệu NSND mà nhân dân nhiều người không ai biết. Thế thì hư danh chứ có gì mà vui vẻ để tranh giành ».
Đạo diễn NSƯT Hoa Hạ và NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, NS Tấn Beo tại họp báo Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần 13 – 2018 do HTV tổ chức
NSƯT đạo diễn Hoa Hạ: « Một động thái hết sức sáng suốt »
NSƯT, đạo diễn Hoa Hạ thì nói: « Tôi cho rằng đây là động thái hết sức sáng suốt, thứ nhất là có sự tôn trọng nghệ sĩ, lắng nghe dư luận và có những điều chỉnh bất cập kịp thời. Đó là điều tôi mừng. Nhưng theo tôi, Vụ Thi đua Khen thưởng của Bộ VH-TT và DL nên kiện toàn lại những bất cập mà dư luận đã nêu. Tránh để những đợt xét tặng danh hiệu gây tổn thương đến tâm hồn nghệ sĩ. Vì sau mỗi lần xét duyệt, những sơ suất và những ý kiến đã biến niềm vui mừng chờ đón danh hiệu trở thành nỗi buồn, mà nghệ sĩ thì rất dễ bị tổn thương vì tâm hồn mong manh. Tôi cho rằng ba NSUT: Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu lần này có tên trong hồ sơ trình lên hội đồng nhà nước, sau khi bị « bầm dập » ý kiến đã khiến các anh ít nhiều bị tổn thương danh dự. Để tránh điều này xảy ra, tôi nêu ý kiến về sự thay đổi quy chế xét duyệt danh hiệu để kết quả mỗi đợt thật sự hợp tình, hợp lý.
NSƯT Giang Châu, Minh Vương, Thanh Tuấn và NS Bảo Anh trong một buổi họp mặt các nghệ sĩ đoàn cải lương Kim Chung
NSƯT Minh Vương: « Tôi có mừng nhưng không khóc »
NSƯT nói: « Một số bài báo nói tôi khóc là không đúng. Tôi có mừng nhưng không muốn biểu lộ cảm xúc gì vào lúc này. Chỉ muốn nói rằng những gì cần sự công bằng, xuất phát từ việc ghi nhận công tâm đối với sự cống hiến của nghệ sĩ thì cần phải hết sức chân thành. Qua đây, cảm ơn sâu sắc đến những ai quan tâm, có những lời động viên chia sẻ đối với cá nhân tôi trong thời gian qua. Cũng là dịp tôi nói về mình, về những gì mình canh cánh bên lòng suốt nhiều năm gắn bó với sân khấu. Tôi cảm ơn những nghệ sĩ đồng nghiệp từ thế hệ của tôi đến các em cháu sau này, cả những thí sinh của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm nay cũng đã gặp tôi, bày tỏ tấm lòng trân quý về quá trình 12 năm tôi gắn bó với cuộc thi này. Có em nói « chú đã làm NSND trong lòng cháu từ lâu rồi. Bấy nhiêu đó đã quá hạnh phúc đối với tôi. Cảm ơn những khán thính giả trong và ngoài nước đã luôn yêu mến tiếng hát Minh Vương, tôi nguyện sống mãi với sân khấu như một niềm đam mê chưa bao giờ chấm dứt ».
NS Tuấn Thanh, tác giả Lê Duy Hạnh, NSƯT Cẩm Tiên chúc mừng NSƯT Thanh Tuấn trong đêm live show Làn điệu phương nam tại Nhà hát TP
NSƯT Thanh Tuấn: « Khán giả và đồng nghiệp làm tôi ấm lòng »
NSƯT Thanh Tuấn bộc bạch: « Ở tuổi này rồi, có được những chia sẻ của khán giả, nghệ sĩ, báo giới và cả những đồng nghiệp trẻ đối với tôi và anh Minh Vương, Giang Châu qua sự việc bị trượt không có đủ số phiếu để có tên trong hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, tôi ấm lòng vô cùng. Hôm nay biết kết quả chúng tôi được xem xét lại, đó là điều hết sức vui mừng. Cảm ơn và ghi nhớ tình cảm này.
NSƯT Giang Châu với vai diễn để đời – Trùm Sò (Ngao sò ốc hến) và NSƯT Thanh Kim Huệ (vai Thị Hến)
NSƯT Giang Châu: « Xin cảm ơn cuộc đời nghệ sĩ »
« Cho đến thời điểm này tôi vẫn cảm ơn cuộc đời nghệ sĩ khi biết mình đã chọn đúng hướng đi. Vẫn một lòng với tổ nghiệp. So với hai ông anh Minh Vương và Thanh Tuấn, tôi là đàn em, đã cố gắng phấn đấu không ngừng để có được nhiều vai diễn hay được bà con khán giả cả nước yêu mến. Nếu không có cuộc đời nghệ sĩ đã không có một Giang Châu ngày hôm nay. Sự kiện này vui lắm, mừng lắm. Đó là món quà tôi kính dâng những người thầy đã dìu dắt, chỉ dạy mình đến với nghề » – NSƯT Giang Châu phấn khởi nói.
Trong đợt xét lại này ba nghệ sĩ: Vân Hà, Ngọc Đợi và Thu Vân đã có tên trong hồ sơ trình lên hội đồng nhà nước về việc xét tặng danh hiệu NSƯT » –
Được biết, tham dự cuộc họp hội đồng chuyên ngành có 14/15 thành viên trong hội đồng có mặt, một người vắng mặt có lý do nhưng có gửi phiếu bầu.
Bảy hồ sơ xét danh hiệu NSND đạt trên 90% số phiếu bầu, gồm các nghệ sĩ ưu tú: Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu, Trương Hải Thọ (Nhà hát Chèo Truyền thống Thanh Hóa), Lưu Kim Hùng (Nhà hát Tuồng truyền thống Khánh Hòa), Nguyễn Thị Mai Lan (diễn viên khiêm Trưởng đoàn tuồng Thanh Quảng, hiện công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Thanh Hóa), Nguyễn Ngọc Quyền (nam diễn viên, đạo diễn – nguyên Trưởng đoàn tuồng Thanh Hóa).
Trong đó, trường hợp của ba nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu đạt gần tuyệt đối số phiếu. Bảy hồ sơ xét danh hiệu NSƯT có đủ số phiếu bầu, của các nghệ sĩ: Nguyễn Văn Hùng (NS Thanh Hùng – Phó Đoàn cải lương Đồng Tháp), Trần Thị Thu Vân (Chuông vàng vọng cổ 2009 – Nhà hát Trần Hữu Trang), Nguyễn Thị Hà (NS Vân Hà – vợ NS Chí Linh), Nguyễn Ngọc Đợi (Chuông vàng vọng cổ 2007, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu), Trần Ngọc Thắng (Diễn viên múa rối), Trần Thị Ngát (Đoàn kịch nói Nam Định), Phạm Thị Tố Loan (Nhà hát Múa rối Thăng Long – Hà Nội).
26/07/2018 09:35
Danh hài Tùng Lâm và NSND Bạch Tuyết
Gặp lại ông vẫn thấy nét tươi tỉnh, từng câu nói như muốn gửi gắm đến người nghe tâm tình của ông về nghề nghiệp. Trong số các danh hài miền Nam trước 1975, chỉ còn mỗi ông được xem là « bảo bối » của làng hài. NS hài Hồng Tơ xúc động: « Bố Tùng Lâm là đại thụ của làng hài mà chúng tôi tôn kính. Các nghệ sĩ nổi danh cùng thời với bố đã lần lượt ra đi như: Phi Thoàn, Xuân Phát, Khả Năng, La Thoại Tân, Hề Minh, Thanh Việt, Thanh Hoài… Mơ ước của bố là nỗi niềm chung của người nghệ sĩ, sống chết gì cũng muốn mình được ở trong ngôi nhà sân khấu ».
Danh hài Tùng Lâm nhận quà trong buổi họp mặt nghệ sĩ
Mỗi câu chuyện quái kiệt Tùng Lâm kể đều hàm chứa những suy nghĩ của một nghệ sĩ có 65 năm gắn bó với nghề. Với 84 tuổi đời, 65 tuổi nghề, nghệ danh Tùng Lâm được công chúng yêu sân khấu tặng cho danh hiệu quái kiệt. Hiện nay, ông nói mình sống nhờ uống thuốc. Mỗi ngày ông vẫn được người con gái út dẫn đi bộ một vòng quanh các con hẻm ở quận Bình Thạnh, sau đó ông về nhà xem tivi, nghe radio và tối cuối tuần thì đến các sân khấu để gặp gỡ con cháu, thế hệ nghệ sĩ hài trẻ.
Quái kiệt Tùng Lâm và Thanh Hoài
« Tôi thích được sống trong không gian của tiếng cười để nhớ về cái nghề mà tôi đã gặp nhiều gian truân nhưng cũng giữ được tinh thần lạc quan » – ông tâm sự.
NSND Kim Cương nhận xét danh hài Tùng Lâm có nhiều nghề, từ khi bước vào sân khấu đã là ca sĩ, sau đó lại làm MC, rồi hoạt náo viên, diễn viên điện ảnh và những biệt tài chọc cười duyên dáng đã đưa ông lên vị trí quái kiệt.
Trả lời câu hỏi ông thích khán giả gọi mình là quái kiệt hay chỉ là một nghệ sĩ bình thường? Ông giải thích: « Trên thực tế, con đường đưa tôi đến với nghề quanh co lắm. Tôi đoạt giải thủ khoa trong cuộc thi tuyển ca sĩ do Đài Phát thanh Pháp Á tổ chức năm 1948. Năm đó tôi hát ca khúc tiền chiến « An Phú Đông » của nhạc sĩ Lê Bình. Đến năm 1952 – 1953, tôi lại đăng quang liên tiếp hai giải nhất với ca khúc « Tiếng dân chài » của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tất cả những danh hiệu mà khán giả tặng đều xuất phát từ lòng hâm mộ, cho nên gọi tôi là nghệ sĩ Tùng Lâm ở thời điểm này là thích hợp nhất, vì tôi đã rời xa sân khấu, những danh từ như: « quái kiệt », « danh hài », « biệt quái cười », « đệ nhất tiếu vương hội »… xin được nhường lại cho đàn em, cháu sau này. Tôi chỉ xin đừng tách tôi ra khỏi sân khấu ».
Quái kiệt Tùng Lâm, Mỹ Chi và Thanh Hoài trong một bộ phim truyền hình
Quá trình đến với nghề của quái kiệt Tùng Lâm được tính từ chương trình « Tạp lục » trên đài phát thanh, nơi mà ông sáng tạo nhiều « ngón nghề », từ MC, ca vọng cổ, hát tân nhạc đến kể chuyện tiếu lâm. Sau đó, ông được các đạo diễn điện ảnh thời đó của Sài Gòn chú ý, rồi được mời đóng phim. Khi có được vốn ông đầu tư làm phim và trở thành nhà tổ chức chương trình đại nhạc hội.
Danh hài Mỹ Chi nhắc lại: « Hồi đó báo giới Sài Gòn gọi ông là tiểu quái kiệt bởi năm 1958, tại rạp A – Rít – Tô (bây giờ là trụ sở của Công ty Xổ số kiến thiết TPHCM), có tổ chức chương trình Đại nhạc hội minh tinh – quái kiệt, qui tụ ba quái kiệt nổi tiếng Ba Vân, Trần Văn Trạch và Bảy Xê, hợp cùng các minh tinh: Kim Cương, Khánh Ngọc, Thẩm Thúy Hằng, Kim Vui… Ông được mời tham gia biểu diễn cùng với nghệ sĩ Xuân Phát. Bất ngờ hơn khi khán giả cổ vũ cặp nghệ sĩ hài trẻ. Từ đó ông được chú ý và giới chuyên môn thời đó khẳng định ông là một nghệ sĩ đa tài » – NS Mỹ Chi kể.
Dù cao tuổi nhưng vẫn nhận quay phim truyền hình, niềm vui của quái kiệt Tùng Lâm
Nói về cuộc sống hiện tai, ông nhắc đến câu thơ đúc kết được ở tuổi 84: « Còn trẻ đi lăng quăng. Đứng tuổi muốn tìm vàng. Về già làm hòa thượng ». Nếu cho tôi làm lại từ đầu, cái thời còn trai trẻ, tôi vẫn chọn làm diễn viên hài để được đem tiếng cười cống hiến cho bà con khán giả » – quái kiệt cười thật tươi.
25/07/2018 10:04
Trước thông tin này, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Kim Cương cho biết bà kỳ vọng vào sự công tâm khi duyệt lại 46 hồ sơ đề xuất danh hiệu NSND, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) mà Vụ Thi đua, Khen thưởng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành vào ngày mai. Trong đó, 22 hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND và 24 hồ sơ xét danh hiệu NSƯT.
NSND Giang Mạnh Hà – thành viên trong hội đồng chuyên ngành sân khấu – cho biết ngoài 3 nghệ sĩ gạo cội được Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đề nghị xem xét như: NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Giang Châu, hội đồng còn xem xét các trường hợp nghệ sĩ thuộc lĩnh vực sân khấu chưa đủ 90% phiếu bầu trước đây như: NSƯT Phi Vũ, NSƯT Trịnh Xuân Chính…
Xét lại danh hiệu NSND cho NSƯT Minh Vương
NSND Kim Cương nói thêm: « Làm cách nào đó trong đợt cải tiến quy chế mới, đừng để sau mỗi lần xét duyệt danh hiệu làm tổn thương anh chị em nghệ sĩ. Danh hiệu cao quý sẽ càng đẹp hơn, giá trị hơn ở cách trao tặng ».
Theo NSND Kim Cương, khi biết thông tin 3 NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu trượt danh sách xét duyệt danh hiệu NSND, các nghệ sĩ sân khấu cải lương rất bức xúc. « Công lao và sự cống hiến, sức lan tỏa trong cộng đồng của 3 nghệ sĩ này không cần phải nói thêm. Tôi chỉ nhấn mạnh tấm gương cao quý của họ khi sống đúng nghĩa công dân gương mẫu. Ba NSƯT này thường xuyên làm công tác xã hội, góp sức vào những hoạt động thiện nguyện như: xây dựng nhà tình thương cho đồng bào nghèo, chăm lo cho đời sống nghệ sĩ già yếu, neo đơn, tham gia chấm thi và biểu diễn hỗ trợ, đồng hành với thế hệ diễn viên trẻ của nhiều giải thưởng như: Chuông vàng vọng cổ, giải HCV Trần Hữu Trang, giải Tuyển chọn giọng ca cải lương Bông lúa vàng… Họ xứng đáng được trao tặng danh hiệu » – kỳ nữ Kim Cương đã nói.
NSƯT Minh Vương (thứ 3 từ phải sang) trong một lần làm công tác xã hội
NSƯT Minh Vương và các đồng nghiệp
![]() |
GS. Trần Văn Khê rời « cõi tạm » đã gần 2 năm nhưng hành trình trao truyền tinh thần dân tộc của ông vẫn chưa dừng lại.
Đồng hành với tuổi trẻ ngay cả khi đã mất
Mới đây thôi, trên mạng Facebook lan truyền bài viết về GS. Trần Văn Khê với nhan đề « Ngài chơi với ai mà không biết một áng văn nào của nước Việt Nam? ». Bài viết kể câu chuyện vào năm 1964, Giáo sư được mời tham dự buổi sinh hoạt của Hội Truyền bá Tanka Nhật Bản tổ chức tại Paris với gần như toàn người Pháp.
Diễn giả hôm đó đã nói rằng: « Thưa quý vị, tôi là Thủy sư đề đốc đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang nước Nhật, chỉ trong vòng một, hai năm mà tôi đã thấy một rừng văn học, trong đó Tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm với chỉ 31 âm tiết. Chỉ hai điều này thôi, các nước khác không dễ có được… ».
« Tinh thần dân tộc lúc sinh thời Giáo sư Trần Văn Khê hun đúc hết vào nghệ thuật dân tộc, từ tiếng đàn, lời ca cho đến những hình thức sân khấu truyền thống, những câu chuyện truyền khẩu ». |
GS. Trần Văn Khê đã đứng lên đáp lại: « Thưa ông Thủy sư đề đốc, ông nói rằng ông đã ở Việt Nam cả 20 năm mà không thấy áng văn nào đáng kể. Tôi là người Việt, khi nghe câu đó tôi đã rất ngạc nhiên. Chẳng biết khi ngài qua Việt Nam, ngài chơi với ai mà chẳng biết một áng văn nào của nước Việt?
Có lẽ ngài chỉ chơi với những người quan tâm đến chuyện ăn uống, chơi bời, hút sách. Phải chi ngài chơi với GS. Emile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục gồm 1.300 đầu sách, báo về văn chương Việt Nam mà Giáo sư đã in trên Tạp chí Viễn Đông Bác Cổ của Pháp. Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand thì sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông ấy đã cất công sưu tập. Nếu ngài làm bạn với những người như thế, ngài sẽ biết rằng nước tôi không chỉ có một, mà có đến hàng vạn áng văn kiệt tác. Ngài nói trong thơ Tanka chỉ cần một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Tôi chỉ là nhà nghiên cứu âm nhạc nhưng với kiến thức văn chương học thời trung học cũng đủ để trả lời ngài: Việt Nam có câu « Đêm qua mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?« . Trai gái thường mượn hoa lá để bày tỏ tình cảm.
Còn về số âm tiết, tôi nhớ sử Việt Nam chép rằng ông Mạc Đĩnh Chi thời nhà Trần đi sứ sang nhà Nguyên gặp lúc bà phi của vua Nguyên vừa từ trần. Nhà Nguyên muốn thử tài sứ giả nước Việt nên mời đọc điếu văn. Mở bài điếu văn ra chỉ có 4 chữ « nhất ». Mạc Đĩnh Chi không hốt hoảng mà ứng tác đọc liền: « Thanh thiên nhất đóa vân. Hồng lô nhất điểm tuyết. Thượng uyển nhất chi hoa. Dao trì nhất phiến nguyệt. Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết! » (nghĩa là: Một đám mây giữa trời xanh. Một bông tuyết trong lò lửa. Một bông hoa giữa vườn thượng uyển. Một vầng trăng trên mặt nước ao. Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!). Tất cả chỉ 29 âm chứ không cần 31 âm ».
Lúc ấy, toàn thể hội trường đã vỗ tay nhiệt liệt tán dương GS. Trần Văn Khê. Các bạn trẻ trên Facebook hôm nay nghe lại câu chuyện, trong lòng cũng dâng tràn những tình cảm yêu quê hương, dân tộc.
Tinh thần dân tộc ấy lúc sinh thời Giáo sư hun đúc hết vào nghệ thuật dân tộc, từ tiếng đàn, lời ca cho đến những hình thức sân khấu truyền thống.
Dành ngôi nhà của mình cho tuổi trẻ
Về nước khi tuổi cao sức yếu, GS. Trần Văn Khê vẫn đi khắp nơi nói chuyện về văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, từ trường tiểu học, các hội thảo, các trường đại học cho đến các chương trình ghi hình.
Từ nhiều năm trước khi qua đời, Giáo sư đã biến ngôi nhà Nhà nước cấp cho ông tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) thành một điểm sinh hoạt văn hóa dân tộc định kỳ. Hằng tháng, đến hẹn, ngôi nhà của ông lại tràn ngập khách, đa phần là giới trẻ, giới học thuật đến say sưa nghe ông nói về ca trù, hát xẩm, tuồng, chèo, hát bội, cải lương.
![]() |
GS. Trần Văn Khê trò chuyện với đại diện sinh viên dịp 20/11/2013. Ảnh: VMU |
Bao giờ, ở những câu chuyện của mình, ông cũng luôn cổ súy và đề cao tinh thần dân tộc, như câu chuyện gây ấn tượng sâu sắc cho người nghe về gánh hát toàn đàn bà con gái Đồng Nữ Ban vậy.
Giáo sư kể: Đồng Nữ Ban xuất hiện vào năm 1927, do cô ruột của ông là bà Ba Viện sáng lập. Bà giỏi chữ nghĩa, đọc nhiều sách, lại thông thạo nữ công gia chánh, thêu thùa lẫn chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ nên được mời dạy ở trường nữ sinh Áo tím. Do tham dự đám tang cụ Phan Chu Trinh nên bà bị cho thôi dạy.
Trở về quê nhà Vĩnh Long, bà lập gánh Đồng Nữ Ban, tuyển các cô gái nhà quê về dạy đàn, hát với một tinh thần dân tộc nghiêm ngặt. Các cô gái trong gánh hát của bà ngoài học diễn, học hát còn phải học võ để đánh võ thật trên sân khấu, phải học văn hóa, học nữ công gia chánh, học cách sống, cách đi đứng, ăn nói giữ thuần phong mỹ tục của nước nhà.
Đặc biệt, Đồng Nữ Ban không bao giờ hát tuồng Tàu mà chỉ hát những tích truyện Việt tràn đầy tinh thần yêu nước, như Giọt lệ chung tình – Võ Đông Sơn Bạch Thu Hà. Vì thiên hướng yêu nước, dân tộc đó mà mặc dù gây tiếng vang lớn nhưng chỉ khoảng một năm sau, Đồng Nữ Ban bị rút giấy phép.
Câu chuyện Đồng Nữ Ban của GS. Trần Văn Khê đã khép lại nhưng tinh thần dân tộc, nghệ thuật dân tộc ông kể từ gánh hát này không ngừng truyền cảm hứng, truyền lửa cho thế hệ trẻ mãi về sau.
21/07/2018 17:47
Anh Tý xúc động kể cha của anh bệnh viêm phổi 5 năm, thời gian gần đây chuyển sang bệnh gan. Cách đây vài ngày, thấy ông khó thở, gia đình đã đưa vào BV An Bình để điều trị. “Khi thấy bệnh trạng của ba tôi ngày một yếu, do tuổi già không đủ sức đề kháng, gia đình đã xin bệnh viện cho ông được về nhà điều dưỡng và ba tôi đã qua đời tại nhà riêng” – anh Tý chia sẻ.
Danh cầm Ba Tu
Gia đình danh cầm Ba Tu cho biết tang lễ sẽ được tổ chức tại nhà riêng: 791/26 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM. Lễ truy điệu sẽ được tổ chức 7 giờ ngày 23-7 và sẽ đưa đi an táng tại quê nhà: huyện Cần Đước, Long An.
Nhạc sĩ, danh cầm Ba Tu tên thật là Trương Văn Tự, sinh năm 1936. Ông được xem là báu vật của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) và sân khấu cải lương.
Danh cầm Ba Tu, nghệ sĩ hài Thúy Nga và các nghệ nhân thực hiện bức tượng sáp của ông vào ngày 25-8-2016
Những năm gần đây, dù đã hơn 80 tuổi, ông vẫn lên sàn diễn cùng thế hệ nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca hòa tấu, độc tấu nhiều loại nhạc cụ. Đặc biệt, ông vẫn dạy học trò theo ý nguyện, truyền thụ ngón đờn kìm độc nhất vô nhị để nâng bước thế hệ nhạc công trẻ phát triển nghề.
Với ngón đờn tinh hoa bậc nhất, ông đã hoàn thành công trình nghiên cứu về ĐCTT Nam Bộ: độc tấu đờn kìm với bộ đĩa 20 bản tổ nhạc tài tử cho tỉnh Long An – quê hương ông – để bảo tồn nguồn gốc, sự sáng tạo của loại nhạc cụ này trong đời sống ĐCTT hôm nay.
GS-TS Trần Văn Khê, khi còn sống, mỗi lần hội ngộ với danh cầm Ba Tu, ông đã nhận xét ngón đờn Ba Tu nhấn chữ xang nức nở đến đổ hột như người có tâm sự kể về những trạng thái của mình bằng hơi thở, con tim. Ba Tu đờn bản vọng cổ có nhiều chữ nhạc rất mới, tạo nét duyên dáng. Các thể điệu Bắc hùng tráng, Nam – Oán của ngón đờn đó rất mùi mẫn. Kỹ thuật nhấn nhá, chạy chữ, chẻ, xốc nhịp vô cùng kịch tính.
Danh cầm Ba Tu và đạo diễn Triệu Trung Kiên
Những năm kháng chiến chống Pháp, danh cầm Ba Tu lên Sài Gòn gia nhập Đoàn cải lương Tiếng Vang Thủ Đô đi lưu diễn khắp nơi. Những năm 1960, ông là nhạc trưởng của ban cổ nhạc trên sân khấu các đoàn Phước Thành, Minh Tơ. Sau năm 1975, ông vẫn giữ vị trí độc tôn với ngón đờn kìm trứ danh của Đoàn Cải lương Sài Gòn 3 và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho đến lúc nghỉ hưu.
Giới nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ và các nghệ sĩ nhiều thế hệ đã bàng hoàng xúc động khi biết tin danh cầm Ba Tu qua đời. Ông là tấm gương sáng đối với các thế hệ hậu bối đang tiếp tục giữ gìn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ – di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã được thế giới vinh danh.
Danh cầm Ba Tu và NSƯT Quế Trân
Ajoutée le 21 juil. 2018
Trúc Linh/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Khi nhắc đến ca sĩ Kim Anh người ta nhớ ngay đến bài hát “Mùa Thu Lá Bay,” nhạc phẩm từng làm nên tên tuổi của nữ ca sĩ này.
Những năm 1983 – 1985, Kim Anh được xem là “bà hoàng” tại các sân khấu ca nhạc hải ngoại. Nhưng theo nữ ca sĩ, cuộc đời chị lại là “vinh quang tột cùng và cũng đau khổ tột cùng, chứ không có khoảng giữa”.
Giọng ca trời phú đưa chị lên đỉnh vinh quang nhưng điều gì đã đẩy chị vào “tột cùng đau khổ”?
Lên ngôi “bà hoàng” nhờ “Mùa Thu Lá Bay”
Kim Anh đi hát và nổi tiếng từ những năm 1975, nhưng thời đó chị chỉ hát tiếng Anh và tiếng Hoa, vì chị là người gốc Hoa, không giỏi tiếng Việt. Năm 1982, vì muốn thực hiện ước nguyện của ba là thu âm một bài hát tiếng Việt tặng ba, mà chị bắt buộc phải thu đến 11 bài.
“Lúc đó công nghệ chưa phát triển, không thể ‘cắt’ CD nên ca sĩ nào cũng bắt buộc phải thu 12 bài mới đủ cuốn CD. Kim Anh lúc đó đâu biết hát tiếng Việt nên nhờ người phiên âm dùm rồi học thuộc lòng. Kim Anh có than với anh Elvis Phương là 12 bài nhiều quá, Kim Anh không học được hết. Anh Phương bảo không hát được thì kể chuyện hay nói gì đó cho đủ thời gian, chứ không thể cắt CD. Cuối cùng đến ngày thu, Kim Anh học được 11 bài, phần còn lại của CD là dẫn chuyện”, ca sĩ Kim Anh kể lại.
Theo lời chị, CD lúc đó không thể in vài trăm đĩa mà bắt buộc phải in 1,000 bản. Chị không biết làm gì cho hết nên gửi bưu điện tặng Hội Đồng Hương ở khắp các tiểu bang khác trên nước Mỹ. Nhưng gửi khắp nơi mà vẫn còn dư 600 CD nên chị đích thân đi “chào hàng” ở một vài cửa hàng băng đĩa ở San Jose, nơi chị sống lúc bấy giờ.
Không ngờ CD của chị được người yêu nhạc khắp nơi đón nhận nồng nhiệt. Từ đó, tên tuổi chị vụt lên thành “sao”.
“Từ năm 1983 đến 1985, có thể nói là thời hoàng kim của Kim Anh. Tiền tài, danh vọng cứ ào ào đến. Kiếm được rất nhiều tiền nhưng xài hết, bởi tính tình quá rộng rãi, tiệc tùng, ăn xài gì với người thân, bạn bè Kim Anh cũng bao hết. Một phần nữa là ma túy và rượu. Kim Anh nghiện ma túy, càng lúc càng nặng ‘đô’. Rượu cũng vậy. Người ta đi hát vài năm là mua được nhà, còn Kim Anh, thậm chí còn thiếu nợ tiền rượu”, chị nhớ lại.
Tiền tài, danh vọng, hào quang của ánh đèn sân khấu khiến Kim Anh ngập chìm trong tiệc tùng, ma túy, rượu. Lúc bấy giờ, con trai lớn của chị được 13 tuổi. Nhiều lúc nghĩ đến con, chị muốn tránh xa những cám dỗ này, đặc biệt là ma túy nhưng chị không làm được, bởi quá nhiều sự mời gọi, mà theo cách nói của chị là “mỡ đưa đến miệng, làm sao mèo từ chối”.
Tai nạn xe dẫn đến con đường nghiện ngập
Trở lại năm 1978, lúc bấy giờ Kim Anh chưa phải là tên tuổi “ăn khách” trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Trong một đêm tuyết rơi dày đặc của mùa đông năm 1978 ở New York, trên đường đi trình diễn về, chị bị tai nạn “thảm khốc”. Kim Anh và hai người nữa trên xe đều bị thương nghiêm trọng. Chị bị gãy tay, chân, lưng, mặt mũi biến dạng, lưỡi dập nát, hàng trăm mảnh vỡ kính xe cắt vào mặt, đâm vào mắt…
Tai nạn năm đó khiến cuộc đời Kim Anh gắn với bệnh viện và xe lăn hơn 4 năm, với những cơn đau hành hạ thể thể xác khủng khiếp ngày đêm. Từ đó, chị làm quen với ma túy. Cũng như những người nghiện ma túy khác, ban đầu chỉ là một liều rất nhỏ, nhưng rồi “đô” tăng dần theo thời gian.
Thương tích dẫu phục hồi nhưng khuôn mặt chị không thể trở về như trước kia, giọng nói cũng ngọng nghịu. Thế nhưng một điều kỳ lạ là giọng hát vẫn còn vẹn nguyên. Trong thời gian vẫn còn phải điều trị, tập vật lý trị liệu và vẫn còn ngồi xe lăn, Kim Anh cho biết chị bướng bỉnh, không chịu nghe lời bác sĩ, đi hát. Có lần khi đang hát, những vết may ở cằm bị rách, lại vào bệnh viện.
Cứ thế cho đến khoảng năm 1982, chị mới tạm gọi là phục hồi. Năm này Kim Anh phát hành CD “Mùa Thu Lá Bay” và tên tuổi chị vụt nổi tiếng. Lúc đó, các danh ca cùng thời chưa định ở Mỹ nên một mình Kim Anh gần như thống lĩnh hết các sân khấu ca nhạc của người Việt ở California lúc bấy giờ.
“Đến năm 1985, Kim Anh nghiện ma túy nặng. Lúc này con trai lớn đã được 13 tuổi. Một ngày Kim Anh nhận ra mình không thể chết để con lại bơ vơ trong cuộc đời này, mà nếu có chết, cũng phải chết sao cho đẹp đẽ chứ không phải hình ảnh khủng khiếp của người chết vì ma túy, nên Kim Anh quyết tâm cai nghiện”, giọng chị chùng xuống.
Trong một lần sang Pháp trình diễn, Kim Anh quyết định ở lại để trốn khỏi bạn bè, môi trường quen thuộc mà chị được coi như “bà hoàng” ở Mỹ. May mắn chị được người quen cho ở nhờ trong một ngôi nhà dành cho người trong coi nghĩa trang, nằm sâu trong khuôn viên nghĩa trang, hoàn toàn tách biệt với cuộc sống bên ngoài.
“Kim Anh quyết tâm cai nghiện cho bằng được nên ngày đầu tiên đến căn nhà đó, Kim Anh đem cả thau ma túy đổ vào toilet mà khóc như mưa. Số ma túy đó, một ít được mang theo từ Mỹ, số còn lại được người quen ở Pháp cho. Người ta cai ma túy là giảm liều từ từ, rồi mới ngưng hẳn, còn Kim Anh đột ngột ngưng luôn. Mỗi khi lên cơn khủng khiếp lắm. Kim Anh không nhớ được hết nhưng bà chủ ngôi nhà ấy kể lại, nhiều lần tưởng chừng như Kim Anh sẽ chết. Bà chủ rất thương và giúp đỡ Kim Anh rất nhiều”, ca sĩ Kim Anh kể lại.
Nhờ tách biệt với cuộc sống bên ngoài, không gặp gỡ bạn bè hay bất kỳ ai khác và với quyết tâm làm lại đời mình, sau một thời gian tự chiến đấu với bản thân, với những lúc lên cơn vật vã tưởng chừng sẽ chết, ca sĩ Kim Anh cuối cùng đã cai nghiện thành công.
Người bên cạnh giúp đỡ Kim Anh trong suốt thời gian cai nghiện, giúp những lúc lên cơn, Kim Anh đập phá, cào cấu, hủy hoại cơ thể mình, chính là bà chủ căn nhà ấy.
Ở “ẩn” cai ma túy, gặp người đàn ông thứ hai
Nhân duyên cho chị gặp người phụ nữ tốt bụng ấy, ở trong căn nhà ấy, dẫn đến nhân duyên chị gặp con trai của bà ấy. Khi chị mang thai, vợ chồng người phụ nữ ấy (cho đến bây giờ chị vẫn quen gọi là “bà chủ”) tổ chức tiệc linh đình, mời gần hết người Việt sống ở quận 13 đến dự và tuyên bố Kim Anh là con dâu của gia đình.
Nhưng rồi sau đó, chỉ vì một câu nói của người con trai của bà chủ, tỏ ý nghi ngờ cái thai trong bụng Kim Anh vì “nghệ sĩ thường đa tình”, ngay ngày hôm sau, Kim Anh bỏ hết, mua vé máy bay về Mỹ.
Ngày chị sinh con, bà chủ bay sang Mỹ chăm sóc chị. Đó là năm 1987. Khi cháu bé được 5 tháng, bà sang xin đưa cháu về Pháp. Rất đau lòng nhưng vì ơn nghĩa và vì bà chủ tha thiết mong có cháu trai, nên chị đồng ý.
Thế nhưng, con trai nhớ mẹ, suốt ngày cứ khóc đòi mẹ. Được khoảng 5 tháng, ‘bà chủ’ mang cháu nội sang trả lại cho Kim Anh. Từ đó, mẹ con chị cùng với con trai lớn ở với nhau cho đến khi các cháu lớn, đi học, đi làm rồi ở riêng.
Khi trở lại Mỹ năm 1987, Kim Anh vẫn đi hát đều đặn, vẫn tụ tập bạn bè, vẫn uống rượu nhưng tuyệt đối tránh xa ma túy. Có những buổi tiệc, bạn bè chơi ma túy, chị chỉ uống rượu hoặc bỏ về.
Chị nói, ma túy cai được nhưng rượu thì không. Mà thật ra chị cũng chưa từng thử bỏ rượu. Nhiều người nói uống rượu có hại cho sức khỏe nhưng chị thấy cho đến giờ sức khỏe của chị vẫn rất tốt. Đi khám tổng quát, bác sĩ cũng nói vậy.
Hai con trai giờ đã lớn, ở riêng, ca sĩ Kim Anh có cuộc sống bình yên với bạn bè. Chị hay đi hát ở chùa, chẳng những ở Little Saigon mà còn ở những tiểu bang khác, thậm chí bay về Việt Nam và cả ở Châu Âu.
Kim Anh cho hay, cuộc đời đã cho mình quá nhiều rồi, từng ở trên đỉnh vinh quang, từng nhận được quá nhiều thứ quý báu, không phải chỉ là giá trị vật chất mà còn giá trị về tinh thần.
“Kim Anh cho rằng nhờ ơn trên che chở nên Kim Anh mới phục hồi được gần như nguyên vẹn, không bị mất giọng hát, mặc dù hơi khó khăn khi nói chuyện, sau tai nạn hồi năm 1978 tưởng chừng đã chết hoặc nếu không thì cũng tàn phế suốt đời. Ngay cả chuyện cai nghiện ma túy thành công cũng vậy, ơn trên đã ban cho Kim Anh sức mạnh.’
Giọng ca “Mùa Thu Lá Bay” bộc bạch: “Bởi vậy, giờ đây Kim Anh không có ước mong gì cao sang, chỉ mong một cuộc đời bình yên, giản dị, thỉnh thoảng đi hát, đi chùa, giúp đỡ những người khó khăn trong khả năng của mình”. (Trúc Linh)
Liên lạc tác giả: nguyen.truclinh@nguoi-viet.com