Chiến Sĩ Vô Danh – Trần Văn Khê – Thu Âm 1950
Published on Jun 18, 2015
MUSIC & LIFE / âm nhạc & đời sống
Mois : avril 2018
Published on Jan 3, 2018
Đăng ngày 26/04/2018 – 04:00
Hơn 40 năm làm việc, nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng Con Người ở Paris (Pháp) và tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới, Giáo sư Trần Quang Hải đã có những đóng góp lớn trong việc giới thiệu, quảng bá âm nhạc Việt Nam ra nhiều nước trên thế giới. Ông cũng là người sáng tạo ra nghệ thuật gõ muỗng độc đáo, người truyền dạy cho mọi người cách chơi đàn môi của dân tộc Mông…
Sinh ra trong gia đình có nhiều đời hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật-âm nhạc, lại là con trai trưởng của cố GS.TS âm nhạc Trần Văn Khê (1921-2015), Giáo sư Trần Quang Hải sớm được cha định hướng đi theo con đường nghiên cứu âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Tốt nghiệp khoa violin tại Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, ông sang Pháp tiếp tục học nâng cao về violin, sau đó đổi sang học các loại nhạc cụ dân tộc và lấy bằng Tiến sĩ âm nhạc dân tộc của người Việt tại Pháp.
Giáo sư Trần Quang Hải biểu diễn kèn môi.
Trong thời gian làm việc, định cư ở Pháp, Giáo sư Trần Quang Hải tham gia hoạt động trong nhiều tổ chức âm nhạc, đặc biệt là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp và Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương-nơi cha ông từng công tác. Từ vị thế này, ông có điều kiện đưa âm nhạc dân tộc của Việt Nam đến với công chúng hơn 70 nước trên thế giới; đặc biệt là môn nghệ thuật gõ muỗng và đàn môi của dân tộc Mông.
Từ những chiếc muỗng bình thường vốn được làm ra để phục vụ nhu cầu ẩm thực, qua bàn tay tài nghệ và cách xử lý nhạc học độc đáo của mình, Giáo sư Trần Quang Hải mang đến cho người xem những cung bậc kinh ngạc rồi thán phục. Để giúp mọi người tiếp cận dễ dàng với nghệ thuật gõ muỗng, GS.TS Trần Quang Hải đã tận tình hướng dẫn từ kỹ thuật căn bản như bẻ hai muỗng hơi cong, cho chúng đối đáy vào nhau, lấy ngón trỏ để vào chính giữa hai cán và nâng lên để hai chiếc muỗng luôn giữ một khoảng cách 2,5mm để tạo nên cao độ. Từ những kỹ thuật ban đầu này, những chiếc muỗng được sử dụng thành nhiều cách gõ khác nhau với các ngón tay, rồi kéo lên hết cánh tay hay đánh lên đùi, đánh lên miệng, đánh thành bài bản…
Ngoài gõ muỗng, Giáo sư Hải còn truyền dạy cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài cách chơi đàn môi của dân tộc Mông. Ông giải thích, đàn môi là một loại nhạc cụ độc đáo có mặt ở 30 nước trên thế giới chứ không phải chỉ có ở Việt Nam. Ở châu Âu, đàn môi rất thông dụng với nhiều tên gọi khác nhau. Ở Anh người ta gọi đàn môi là jew’s harp, Pháp là guimbarde, ở Đức và Áo được gọi là maultrommeln…. Đàn môi có nhiều hình dáng và chất liệu khác nhau nhưng đều có hai bộ phận chính là khung cố định và lưỡi gà di động. Đàn môi ở các nước châu Mỹ được làm bằng thép, sắt, đồng hoặc nhôm, kiểu dáng giống nhau. Còn tại châu Á, tùy theo truyền thống và bản sắc từng dân tộc mà đàn môi ở mỗi nước có độ dài ngắn khác nhau với tên gọi rất đa dạng: mukkuri (Nhật Bản), genggong (Bali), kubing (Philippin). Ở Việt Nam, đàn môi là một trong những nhạc cụ được đồng bào các DTTS ưa chuộng. Thời xa xưa, đàn môi của dân tộc Jrai được làm bằng kim khí, của dân tộc Mông làm bằng đồng thau và dân tộc Ba Na, Ê-đê được làm bằng tre…
Năm 2017, nhân chuyến về nước, ông đã trao tặng cho Viện Âm nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam 40 kiện gồm: 1.000 quyển sách, từ điển, 500 đĩa nhạc cùng một số tư liệu khác của tất cả các tác giả nghiên cứu về âm nhạc dân tộc ở các nước trên thế giới. Giáo sư Trần Quang Hải chia sẻ: “Tôi đã làm công việc mà ba tôi đã từng trao gửi, để góp phần với quê hương, để lại những gì tốt đẹp nhất cho âm nhạc dân tộc thông qua những công trình nghiên cứu của tôi”.
Để gìn giữ và phát triển nhạc cổ truyền dân tộc, Giáo sư Trần Quang Hải cho rằng, điều cấp thiết nhất là cần có sự đào tạo tốt tại Việt Nam, làm thành một phong trào để có nhiều người tiếp nối, giảng dạy, theo nghề. Nên tổ chức những hội thảo, phác họa chương trình giáo dục âm nhạc trong nhà trường, quan tâm đến việc giáo dục âm nhạc từ nội thành đến vùng sâu, vùng xa, để ngay từ nhỏ các em học sinh đã có một kiến thức căn bản về âm nhạc Việt Nam, sau đó học thêm về nhạc cổ điển Tây phương và các nước láng giềng…
Bên cạnh đó, các đài truyền hình nên thực hiện những chương trình giáo dục âm nhạc, định hướng âm nhạc, giới thiệu những nét tinh hoa, độc đáo, tiêu biểu của nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam và các nước trên thế giới đến với công chúng cả nước.
Tác giả: Ngọc Ánh
Thứ hai, 27/03/2017 – 00:32
Theo đó, Bộ VHTT&DL sẽ gửi hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” tới UNESCO trước ngày 31/3, để được dự xét trong năm 2018.
Từ bao đời nay, Then đã trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, loại hình nghệ thuật hát Then chỉ có ở 5 tỉnh là Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang.
Then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái thường sử dụng hát Then vào những dịp trọng đại như hội làng, cầu đảo của từng gia đình, dòng họ vào dịp năm mới…
Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, hát Then xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI vào thời nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và xây dựng thành quách ở đó.
Theo truyền thuyết, trong số quan lại của nhà Mạc có hai vị tên là Đế Phụng và Đế Đáng rất yêu âm nhạc và thích ca hát, họ đã chế tạo ra tính tẩu và lập ra hai tốp hát để phục vụ cung đình. Về sau dân chúng thấy hay nên bắt chước và được lưu truyền trong dân gian. Theo thời gian, hát Then – đàn tính được lan rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.
PGS.TS Nguyễn Bình Định – Viện trưởng Viện Âm nhạc, đơn vị đảm nhiệm lập hồ sơ di sản cho biết, trong việc xây dựng hồ sơ, UNESCO yêu cầu phía tham gia phải là người dân, cộng đồng. Vì thế, trong hồ sơ di sản Then có nhiều tỉnh tham gia thì điều cần thiết là tính liên kết cộng đồng. Nhưng từ trước đến nay, chưa có loại hình nghệ thuật nào của bà con các dân tộc vùng núi phía Bắc được công nhận danh hiệu di sản của UNESCO nên quá trình xây dựng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo PGS Nguyễn Bình Định, với kinh nghiệm trước đây từng làm hồ sơ cho Ca trù, Đờn ca tài tử, Hát bài chòi… thì việc xây dựng hồ sơ cho Then có những thuận lợi là các thầy Then ở địa phương vẫn còn nhiều, các nghi lễ tín ngưỡng vẫn còn được thực hiện và một phần không kém quan trọng là hiện vật, sách Then bằng tiếng Tày – Hán vẫn còn được gìn giữ nhiều trong những gia đình có truyền thống làm thầy Then. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nghi lễ Then không được thực hiện vì lý do mê tín đã rơi vào tình trạng trầm lắng, phải phục dựng lại.
Do vậy việc làm hồ sơ cho Then cũng gặp phải không ít khó khăn. Then tồn tại và phát triển ở địa bàn các tỉnh vùng núi phía Bắc, cho nên việc đi lại của các chuyên gia cũng không dễ dàng.
Trong hành trình hoàn thiện Hồ sơ cho “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” việc dịch lời các bài Then cũng là một trở ngại lớn. Đơn cử như người biết tiếng Tày cũng chưa chắc dịch được các bài hát hát Then. Bởi nhiều bài là tiếng cổ, cộng với phải hiểu biết, có kiến thức về tín ngưỡng, tâm linh, dân tộc thì mới dịch được.
“Vì thế, khi làm hồ sơ, chúng tôi đã yêu cầu mỗi tỉnh phải cung cấp một chuyên gia hiểu biết về Then dịch lời rồi mới chọn lọc đưa vào hồ sơ. Chúng tôi từng làm một lễ cấp sắc ở Bắc Cạn, phải dịch lời mất hai tháng mới xong”, PGS.TS Nguyễn Bình Định cho hay.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh nhận định: “Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, miêu tả, vừa gửi gắm, nhắn nhủ những ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống ông cha”.
Theo GS Tô Ngọc Thanh, trong việc nhìn nhận giá trị của thực hành Then cần có sự phân biệt rạch ròi giữa Then cổ và Then mới, giữa Then nghi lễ và Then văn nghệ, nhất là không thể dựa vào Then mới, Then văn nghệ với các lời đã được cải biên để bảo tồn Then cổ, Then nghi lễ.
“Nếu gạt bỏ những yếu tố mê tín đối với việc chữa bệnh mà ngày nay thực tế cũng không còn mấy ai tin thì Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm nhắn nhủ những đắng cay của cuộc sống của ông cha. Có thể tìm thấy trong Then không chỉ các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp tu từ, ẩn dụ của nghệ thuật ngôn từ; những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất, những điệu múa đã song hành với Then không biết bao nhiêu năm tháng”, GS Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh.
Không những vậy, trong nhiều năm trở lại đây việc cải biên, phát triển các làn điệu Then rất được các nhạc sĩ người dân tộc thiểu số hết sức quan tâm. Những sáng tác đưa Then từ không gian nghi lễ đến không gian sân khấu, đem lại nhiều hứng thú cho không ít khán, thính giả.
Cùng với giá trị trong dân gian, kết hợp các Liên hoan nghệ thuật hát Then – đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái được tổ chức thường xuyên, nhằm nỗ lực thực hành Then trong cộng đồng, di sản Then của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hà Tùng Long